Nhà Thủ Đức: Bao giờ hết “đì đẹt”?

Sau nhiều năm kết quả kinh doanh “đì đẹt”, năm 2017, Thuduc House (TDH) đã có kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Quý 1/2017, kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan với lợi nhuận lên tới 41 tỷ đồng, gần bằng năm 2016.
Chủ tịch HĐQT Thuduc House Lê Chí Hiếu cũng khẳng định “Công ty đã vượt qua chặng đường cam go”. Trước kết quả khả quan đó, liệu Thuduc House đã vượt qua giai đoạn “đì đẹt” hay chưa?
Thiếu đột phá
Thuduc Hose được thành lập cách đây gần 30 năm và tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước và được cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2006. Với quá khứ đó, doanh nghiệp này có rất nhiều lợi thế để phát triển với một quỹ đất lớn thừa hưởng từ thời còn là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên so với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác thì dường như TDH không phát triển tương xứng với tiềm năng của mình.
Nhà Thủ Đức: Bao giờ hết “đì đẹt”?
Doanh thu và lợi nhuận của TDH
Cụ thể, báo cáo tài chính của TDH cho thấy, năm 2005 công ty có doanh thu là 242 tỷ đồng, lợi nhuận 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, 10 năm sau (năm 2014) doanh thu cũng chỉ đạt 568 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 51 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong giai đoạn này tổng tài sản công ty đã tăng gấp 5 lần, còn vốn chủ sở hữu tăng gấp 6 lần. Suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hàng năm của Công ty chỉ từ 2-7%. Điều này cho thấy, trong suốt một khoảng thời gian dài hiệu quả kinh doanh của TDH thụt lùi. 
So với nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết khác, hoạt động kinh doanh của Thủ Đức không có nhiều đột phá. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành “ghi dấu ấn” của mình bằng những dự án có quy mô lớn chẳng hạn như Khang Điền, Phát Đạt, Sacomreal. Thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh như Đất Xanh, Novaland… trong khi đó Thuduc House vẫn chỉ “quanh quẩn” với những dự án nhỏ. Nguyên nhân là do TDH không có những bước đột phá trong phát triển và đầu tư kém hiệu quả.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của TDH năm 2016 đã được cải thiện đáng kể khi doanh thu đạt 1.060 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 108 tỷ đồng. Đây cũng là năm mà công ty đã thành công trong việc tăng vốn điều lệ từ 419 tỷ đồng lên 709 tỷ đồng. Trong quý 1 năm 2017, TDH tiếp tục thu được kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 244 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 41 tỷ đồng. 
Đây không phải là kết quả tốt nhất từ trước đến nay của TDH nhưng nó có thể là một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này đang chuyển mình. Điều này, cũng phần nào phản ánh vào việc giá cổ phiếu TDH đã tăng lên rất mạnh trong thời gian qua. 
Thuduc House liệu có phát triển mạnh?
Trong báo cáo thường niên, TDH nêu ra các điểm mạnh của mình là có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư và kinh doanh địa ốc tại Việt Nam; doanh nghiệp có cơ cấu tài chính an toàn, luôn duy trì tỷ lệ nợ thấp so với vốn chủ sở hữu; có quỹ đất dồi dào nằm ở các vị trí tốt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Long An, thương hiệu Thuduc House là thương hiệu lớn. Tuy nhiên, TDH cũng chỉ ra những hạn chế yếu kém của mình như: Quy mô vốn của công ty còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư theo chiến lược phát triển của công ty, phải dựa vào các nguồn vốn vay và vốn liên doanh - liên kết; chưa mở rộng được nhiều quỹ đất ở các quận trung tâm của TP.HCM; nguồn nhân lực còn thiếu, nhất là nhân lực quản trị trung và cao cấp; thành viên HĐQT và ban lãnh đạo còn phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Nhà Thủ Đức: Bao giờ hết “đì đẹt”?
Vốn chủ sở hữu và nợ của TDH
Có thể nói lợi thế khá lớn hiện nay của TDH là đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá ít so với doanh nghiệp bất động sản khác. Thương hiệu Thuduc House cũng là một thương hiệu khá lớn trên thị trường bất động sản khiến cho việc thực hiện, bán hàng các dự án này thuận lợi hơn. Dù vậy, điểm lớn nhất của doanh nghiệp này có thể chính là bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực. Với một doanh nghiệp ít “cởi mở” như Thuduc House sẽ khó có nguồn nhân lực tốt cho việc mở rộng phát triển dài hạn hay quản lý hiệu quả các khoản đầu tư của mình. 
Lĩnh vực bất động sản mà TDH xác định sẽ chiếm tỷ trọng 70-80% doanh thu thì Công ty chỉ có 1 công ty con và một số công ty liên kết. Công ty con là Công ty TNHH Bách Phú Thịnh có vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Đây là công ty liên doanh giữa TDH và Tập đoàn Daewon – Hàn Quốc với TDH chiếm 51% vốn điều lệ. Bách Phú Thịnh hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng khu chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng cho thuê phục vụ người thu nhập khá và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, với số vốn ít ỏi này thì khó để Bách Phú Thịnh vươn tầm. 
Các công ty liên kết khác trong lĩnh vực bất động sản là Công ty CP phát triển nhà Daewon - Thủ Đức, Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú, CTCP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (FIDECO).. . Đây đều là những liên doanh không lớn và chỉ làm những dự án tương đối nhỏ so với quy mô của Thuduc House. 
Vẫn không ít người kỳ vọng Thuduc House sẽ có bước phát triển khi thị trường bất động sản nóng lên sẽ thổi thêm sinh khí vào các dự án khá lớn như chung cư cao cấp Centum Wealth với tổng đầu tư 50 triệu USD, Dự án Cantavil Premier tổng đầu tư 60 triệu USD, Dự án phức hợp tại 378 Phố Minh Khai – Hà Nội đầu tư 1.737 tỷ đồng, Phước Long Spring Town đầu tư 862, Dự án chung cư TDH – Phúc Thịnh Đức đầu tư 912, Dự án Aquila Plaza đầu tư 1.000 tỷ … Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng TDH khó có những bước phát triển đột phá bởi những yếu tố nội tại của doanh nghiệp chưa thực sự lớn mạnh.  
Nguồn: https://cafeland.vn/phan-tich/nha-thu-duc-bao-gio-het-di-det-66477.html
Share on Google Plus

About Nguyễn Thành Huy

NGUYỄN MINH HIỆP – Mobile: 0901.940.221
Hãy liên hệ với tôi để bạn nhận được sự tư vấn tơt nhất và hoàn toàn miễn phí về các dự án bất động sản và nhà phố các quận huyện.
Luôn nở nụ cười phục vụ khách hàng”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét